Thứ Hai, 31/03/2025

Chứng khoán nợ là gì và những rủi ro khi đầu tư

Chứng khoán nợ làm một khái niệm phổ biến trong lĩnh vực tài chính và đầu tư, mang lại cơ hội sinh lời ổn định nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Qua bài viết này, Tạp Chí Tài Chính sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về chứng khoán nợ, các đặc điểm, phân loại, và những rủi ro khi đầu tư vào loại chứng khoán này.

Chứng khoán nợ là gì?

Chứng khoán nợ (Debt Security) là một loại chứng khoán đại diện cho khoản vay mà nhà đầu tư cung cấp cho một tổ chức phát hành, chẳng hạn như công ty, chính phủ, hoặc các tổ chức tài chính. Khi mua chứng khoán nợ, nhà đầu tư không sở hữu quyền sở hữu doanh nghiệp mà chỉ đóng vai trò là chủ nợ. Đổi lại, tổ chức phát hành cam kết thanh toán lợi tức định kỳ (thường là lãi suất cố định) và hoàn trả vốn gốc khi đáo hạn.

Bên cạnh đó, một khái niệm ngược lại với chứng khoán nợ là chứng khoán vốn. Chứng khoán vốn là khoản góp vốn của nhà đầu tư vào doanh nghiệp. Chứng khoán vốn không có thời hạn và nhà đầu tư có thể giao dịch mua bán bất kỳ lúc nào, tùy thuộc vào quy định về thời gian giao dịch tại từng quốc gia. Giá trị của chứng khoán vốn thay đổi theo biến động thị trường.

chứng khoán nợ
Nhà đầu tư chứng khoán nợ đóng vai trò là chủ nợ của tổ chức phát hành

Các đặc điểm của chứng khoán nợ

Chứng khoán nợ có những đặc điểm nổi bật sau:

  • Chủ thể phát hành: Chứng khoán nợ được phát hành bởi bên đi vay, có thể là doanh nghiệp, chính phủ, địa phương, cơ quan nhà nước hoặc các tổ chức khác nhằm mục đích huy động vốn.
  • Tính an toàn cao hơn cổ phiếu: Do có cam kết trả lãi và vốn gốc, chứng khoán nợ thường ít rủi ro hơn so với chứng khoán vốn (cổ phiếu).
  • Thời điểm đáo hạn: Đây là thời gian cụ thể mà tổ chức phát hành phải hoàn trả cho nhà đầu tư số tiền gốc cộng với lãi suất đã cam kết.
  • Mệnh giá cụ thể: Là giá trị ghi trên chứng khoán, thể hiện số tiền gốc mà nhà đầu tư bỏ ra để sở hữu chứng khoán nợ.
  • Lãi suất rõ ràng: Là tỷ lệ lãi mà tổ chức phát hành phải trả định kỳ hoặc khi đến ngày đáo hạn, được thỏa thuận ngay từ khi phát hành chứng khoán.
  • Không có quyền sở hữu: Nhà đầu tư vào chứng khoán nợ không có quyền biểu quyết hoặc can thiệp vào hoạt động của tổ chức phát hành.
  • Thu nhập ổn định: Nhà đầu tư nhận được lãi suất định kỳ, giúp tạo ra dòng tiền ổn định, bất kể kết quả kinh doanh của tổ chức phát hành.
chứng khoán nợ
Tìm hiểu những đặc điểm của chứng khoán nợ giúp nhà đầu tư dễ dàng đưa ra quyết định cho mình

Các loại chứng khoán nợ

Chứng khoán nợ có thể được phân loại theo tổ chức phát hành, hình thức định danh, và khả năng đảm bảo thanh toán, cụ thể như sau:

Phân loại chứng khoán nợ dựa trên tổ chức phát hành:

  • Trái phiếu doanh nghiệp: là loại trái phiếu do các doanh nghiệp phát hành với mục đích huy động vốn, thường được sử dụng cho các mục đích như mở rộng quy mô sản xuất, nâng cấp công nghệ, hoặc đầu tư vào dự án mới.
  • Trái phiếu chính phủ: Do nhà nước phát hành, trái phiếu này được xem là an toàn nhất nhờ mức độ rủi ro thấp. Lãi suất thường cố định và phụ thuộc vào kỳ hạn phát hành, giúp nhà đầu tư nhận được thu nhập ổn định.

Phân loại dựa trên cácnhình thức định danh:

  • Trái phiếu vô danh: Không ghi tên người sở hữu, cho phép dễ dàng chuyển nhượng mà không cần xác minh danh tính. Loại trái phiếu này thường có tính thanh khoản cao.
  • Trái phiếu định danh: Ghi rõ tên người sở hữu và tổ chức phát hành. Quyền lợi của nhà đầu tư được đảm bảo minh bạch và rõ ràng, nhưng việc chuyển nhượng có thể yêu cầu các thủ tục xác nhận danh tính.

Phân loại theo khả năng đảm bảo của tổ chức phát hành:

  • Trái phiếu đảm bảo: Loại trái phiếu này được bảo đảm thanh toán bằng một tài sản cụ thể, chẳng hạn như bất động sản hoặc thiết bị. Trong trường hợp tổ chức phát hành mất khả năng chi trả, tài sản đảm bảo sẽ được sử dụng để thanh toán cho nhà đầu tư.
  • Trái phiếu không đảm bảo: Không có tài sản thế chấp, trái phiếu này dựa hoàn toàn vào uy tín của tổ chức phát hành. Để tăng mức độ tin cậy, một số trái phiếu không đảm bảo được phát hành thông qua các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính có uy tín.
chứng khoán nợ
Trái phiếu Chính phủ được xem là loại trái phiếu an toàn nhất

Việc hiểu rõ các loại chứng khoán nợ và đặc điểm của từng loại sẽ giúp nhà đầu tư lựa chọn sản phẩm phù hợp với mục tiêu tài chính và khả năng chịu rủi ro của mình.

Phân biệt giữa chứng khoán nợ và chứng khoán vốn

Điểm giống nhau 

Chứng khoán nợ và chứng khoán vốn tuy khác nhau về bản chất và quyền lợi, nhưng chúng vẫn có nhiều điểm tương đồng đáng chú ý. Trước hết, cả hai đều là công cụ tài chính được các tổ chức như doanh nghiệp hoặc chính phủ phát hành nhằm mục đích huy động vốn từ thị trường. Cả chứng khoán nợ và chứng khoán vốn đều được niêm yết và giao dịch trên thị trường chứng khoán, bao gồm cả thị trường sơ cấp (phát hành lần đầu) và thị trường thứ cấp (mua bán lại).

Đối với nhà đầu tư, cả hai loại chứng khoán này đều mang lại cơ hội sinh lời. Trong khi chứng khoán nợ cung cấp lãi suất hoặc lợi tức định kỳ, chứng khoán vốn mang lại cổ tức và lợi nhuận từ chênh lệch giá cổ phiếu. Ngoài ra, giá trị của cả hai loại chứng khoán này đều chịu tác động từ các yếu tố kinh tế vĩ mô như lãi suất, lạm phát, tỷ giá hối đoái, và tình hình kinh tế. 

Việc đầu tư vào chứng khoán nợ hay chứng khoán vốn đều đòi hỏi nhà đầu tư phải nghiên cứu kỹ lưỡng các yếu tố như tình hình tổ chức phát hành, rủi ro và triển vọng thị trường để đưa ra quyết định phù hợp. Dù mục tiêu tài chính khác nhau, cả hai đều đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nhà đầu tư tối ưu hóa danh mục và tăng cường cơ hội tài chính.

chứng khoán nợ
Chứng khoán nợ và chứng khoán vốn có nhiều điểm tương đồng

Điểm khác nhau giữa chứng khoán nợ và chứng khoán vốn 

Sau đây là bảng phân biệt chứng khoán nợ và chứng khoán vốn:

Tiêu chíChứng khoán nợChứng khoán vốn
Ghi nhận sổ sáchLà khoản nợ phải trả của tổ chức phát hành.Là nguồn vốn của các tổ chức phát hành.
Vai trò người muaChủ nợ.Cổ đông.
Quyền lợi người muaNgười sở hữu không được quyền can dự vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Được tiền lãi một cách cố định, không phụ thuộc vào tình hình kinh doanh.

Được hoàn trả tiền gốc và nhận lãi định kỳ.

Ưu tiên nhận lại tiền khi công ty phá sản.
Được quyền tham gia quản lý và điều hành hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Được chia cổ tức dựa trên số vốn góp và tình hình kinh doanh của công ty.

Có quyền tham gia Đại hội cổ đông và ứng cử vào Hội đồng quản trị.

Không được ưu tiên trả tiền nếu doanh nghiệp phá sản.
Mệnh giáCố định.Thay đổi. Mệnh giá thường phụ thuộc vào các biến động của thị trường.
Thời hạnCó thời hạn cụ thể được công bố khi phát hành, thường từ 1 năm trở lên.
Tính thanh khoản thấp hơn so với chứng khoán vốn.
Không có thời hạn.
Có thể giao dịch mua/bán bất kỳ lúc nào, nên tính thanh khoản cao hơn.

Tóm lại:

  • Chứng khoán nợ phù hợp với nhà đầu tư tìm kiếm sự ổn định, an toàn vốn.
  • Chứng khoán vốn phù hợp với nhà đầu tư muốn tham gia vào hoạt động doanh nghiệp và có khả năng chịu rủi ro cao hơn.

Rủi ro có thể xảy ra khi đầu tư chứng khoán nợ

Mặc dù chứng khoán nợ có độ rủi ro thấp hơn chứng khoán vốn, nhưng nhà đầu tư vẫn cần lưu ý các rủi ro tiềm ẩn sau đây:

Rủi ro lạm phát

Lạm phát có thể làm giảm giá trị thực tết của chứng khoán nợ tại thời điểm đáo hạn. Khi lạm phát tăng, lãi suất thực nhận từ chứng khoán nợ có thể thấp hơn lãi suất công bố, do sự chênh lệch giữa lạm phát và lãi suất danh nghĩa. Điều này đặc biệt xảy ra trong giai đoạn kinh tế tăng trưởng nhanh với nguy cơ lạm phát cao.

Tính thanh khoản thấp

So với chứng khoán vốn (cổ phiếu), chứng khoán nợ có tính thanh khoản thấp hơn. Nguyên nhân chính là do chứng khoán nợ thường có thời hạn cố định (thường từ 6 tháng đến 1 năm hoặc hơn). Thêm vào đó, một số loại chứng khoán nợ không thể chuyển nhượng trên thị trường mà chỉ được thu hồi lại khi đáo hạn, làm giảm khả năng linh hoạt của nhà đầu tư.

Tổ chức phát hành gặp thua lỗ, mất khả năng chi trả

Nếu tổ chức phát hành gặp khó khăn tài chính, thua lỗ, hoặc phá sản, nhà đầu tư có nguy cơ mất toàn bộ số tiền đã mua chứng khoán nợ. Để phòng tránh và giảm thiểu tối đa rủi ro này, nhà đầu tư cần:

  • Nghiên cứu kỹ tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh của tổ chức phát hành.
  • Xem xét kế hoạch sử dụng vốn từ việc phát hành chứng khoán.
  • Kiểm tra xem có tổ chức bảo lãnh phát hành nào đứng sau để tăng mức độ an toàn của khoản đầu tư.

Lưu ý: Nhà đầu tư cần đánh giá kỹ các rủi ro và lựa chọn tổ chức phát hành uy tín để bảo vệ tài sản của mình.

Những biện pháp bảo đảm an toàn trên thị trường chứng khoán

Tìm hiểu các thông tin được công khai minh bạch

Các tổ chức phát hành cần đảm bảo công khai đầy đủ và kịp thời các báo cáo tài chính cũng như các thông tin quan trọng liên quan đến hoạt động và tình hình tài chính của công ty. Điều này không chỉ giúp nhà đầu tư tiếp cận thông tin chính xác, mà còn tạo sự minh bạch và ổn định cho thị trường.

Thực thi đúng quy định của pháp luật Việt Nam

Để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư và duy trì sự ổn định cho thị trường, các cơ quan quản lý cần xây dựng và thực thi các quy định pháp lý chặt chẽ. Việc giám sát liên tục và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm sẽ giúp tạo dựng môi trường giao dịch công bằng và minh bạch.

Nhờ sự trợ giúp từ dịch vụ tư vấn tài chính

Nhà đầu tư nên tìm kiếm sự tư vấn từ các chuyên gia tài chính để đưa ra quyết định đầu tư sáng suốt. Các chuyên gia có thể giúp họ phân tích thông tin thị trường, đánh giá rủi ro và lựa chọn các cơ hội đầu tư phù hợp.

Cập nhật kiến thức thường xuyên và các xu hướng về thị trường

Để ra quyết định đầu tư đúng đắn, nhà đầu tư cần liên tục cập nhật và trau dồi kiến thức về thị trường chứng khoán. Việc hiểu rõ các công ty phát hành, các chỉ số tài chính, cũng như các xu hướng thị trường sẽ giúp họ đưa ra quyết định đúng đắn và giảm thiểu rủi ro.

chứng khoán nợ
Tìm hiểu các biện pháp đảm bảo an toàn khi giao dịch trên thị trường chứng khoán

Những thắc mắc thường gặp

Dưới đây là các câu trả lời chi tiết và rõ ràng cho các câu hỏi thường gặp về chứng khoán nợ:

Tại sao gọi trái phiếu là chứng khoán nợ? 

Trái phiếu được gọi là chứng khoán nợ vì nó đại diện cho một khoản vay mà tổ chức phát hành trái phiếu vay từ nhà đầu tư. Theo đó, tổ chức phát hành cam kết trả lãi định kỳ và hoàn trả khoản vốn gốc vào thời điểm đáo hạn. Do đó, trái phiếu mang bản chất của một khoản vay, gắn liền với nghĩa vụ trả nợ của tổ chức phát hành.

Cổ phiếu và trái phiếu là chứng khoán nợ hay chứng khoán vốn?

Cổ phiếu là chứng khoán vốn, vì nó đại diện cho quyền sở hữu một phần của công ty. Khi sở hữu cổ phiếu, nhà đầu tư trở thành cổ đông, có quyền tham gia vào các quyết định của công ty và chia sẻ lợi nhuận qua cổ tức.

Trái phiếu, ngược lại, là chứng khoán nợ, vì nhà đầu tư chỉ đơn giản là cho tổ chức phát hành vay tiền và nhận lại lãi suất cùng khoản gốc vào cuối kỳ hạn. Trái phiếu không mang lại quyền sở hữu hay quyền kiểm soát công ty.

Đầu tư vào chứng khoán nợ có thể là một lựa chọn hấp dẫn nhờ tính ổn định và ít rủi ro hơn chứng khoán vốn. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần hiểu rõ các đặc điểm, phân loại, và rủi ro để đưa ra quyết định phù hợp. Hãy cân nhắc tham khảo sách phân tích chứng khoán hoặc tìm hiểu thêm về thuật ngữ chứng khoán và phân tích kỹ thuật để tối ưu hóa danh mục đầu tư của bạn. Đồng thời đừng quên thường xuyên theo dõi chuyên mục tư vấn tài chính cá nhân tại Tạp Chí Tài Chính nhé!

Tin đọc nhiều nhất