Trong bối cảnh ngành xây dựng và cơ sở hạ tầng tại Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, cổ phiếu ngành thép luôn là một lựa chọn hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, với sự biến động của thị trường và sự phụ thuộc vào các yếu tố chu kỳ, việc lựa chọn mã cổ phiếu ngành thép tiềm năng là không hề đơn giản. Trong bài viết dưới đây, Tạp Chí Tài Chính sẽ giới thiệu những mã cổ phiếu ngành thép đầy triển vọng, những yếu tố cần lưu ý khi đầu tư vào ngành này.
Tổng quan về thị trường cổ phiếu ngành thép
Thị trường cổ phiếu ngành thép đang trở thành tâm điểm chú ý của các nhà đầu tư nhờ vào tiềm năng phục hồi từ các chính sách bảo hộ thương mại và sự gia tăng nhu cầu nội địa. Trong năm 2024, ngành thép ghi nhận nhu cầu tiêu dùng giảm 0,9% so với năm trước đó.
Tuy nhiên, con số này không quá nghiêm trọng và theo các chuyên gia dự báo, nhu cầu sử dụng vật liệu thép sẽ có xu hướng gia tăng trong năm 2025 lên đến 1,2%. Các thị trường xuất khẩu thép trọng điểm như ASEAN và Hoa Kỳ cũng có nhiều dấu hiệu hồi phục tích cực.
Trong khi đó, tại nước ta, ngành thép Việt Nam được dự báo sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức và áp lực từ các biện pháp chống bán phá giá ở nước ngoài (Bộ Thương mại Hoa Kỳ) và sự cạnh tranh mạnh mẽ từ Trung Quốc. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp thép tại Việt Nam đang đẩy mạnh tối ưu hóa sản xuất, tập trung vào thị trường nội địa và linh hoạt thích ứng với sự biến động của thị trường quốc tế. Điều này không chỉ giúp ổn định hoạt động kinh doanh mà còn gia tăng cơ hội tăng trưởng bền vững trong tương lai.
Cổ phiếu ngành thép là gì?
Cổ phiếu thép là loại cổ phiếu được phát hành bởi các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, gia công hoặc kinh doanh thép và các sản phẩm liên quan. Đây là một trong những nhóm cổ phiếu ngành vật liệu cơ bản, thường được nhà đầu tư quan tâm nhờ tính chu kỳ và tiềm năng sinh lời cao.
Giá trị của các cổ phiếu ngành thép chịu ảnh hưởng lớn từ các yếu tố như giá thép trên thị trường, nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng và chính sách thương mại quốc tế. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động, cổ phiếu ngành thép mang lại cơ hội lớn cho nhà đầu tư khi ngành này phục hồi hoặc tăng trưởng mạnh nhờ vào nhu cầu tiêu thụ thép nội địa và xuất khẩu sang các thị trường quốc tế.
Một số doanh nghiệp hiện đang hoạt động trong ngành thép phổ biến và nổi bật có thể kể đến như: Thép Nam Kim, Tập đoàn Hoa Sen, Tập đoàn Hòa Phát, Thép Pomina…
Đặc trưng của những mã cổ phiếu thép
Những mã cổ phiếu thép thường có đặc điểm nổi bật là tính chu kỳ cao, gắn liền với sự biến động của giá thép trên thị trường và nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng. Các mã cổ phiếu ngành thép sở hữu các đặc trưng nổi bật như sau:
Thị giá dao động theo mức giá thép thế giới
Giá cổ phiếu thép chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự biến động của giá thép trên thị trường quốc tế. Khi giá thép tăng do nhu cầu cao hoặc thiếu hụt nguồn cung, chuẩn định giá cổ phiếu ngành thép thường tăng theo.
Ngược lại, khi giá thép giảm, cổ phiếu thép cũng có xu hướng giảm. Giá cổ phiếu sẽ phản ánh tình hình kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp. Do đó, có thể nói ngành thép chịu tác động mạnh mẽ biến động giá cả hàng hóa cả đầu ra và đầu vào.
Tính chu kỳ của thị giá cổ phiếu thép
Cổ phiếu thép mang tính chu kỳ cao. Điều này có thể hiểu là thị giá của chúng thường lên xuống theo chu kỳ phát triển của nền kinh tế. Trong giai đoạn kinh tế tăng trưởng, nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng tăng mạnh sẽ thúc đẩy giá thép và giá cổ phiếu.
Tuy nhiên, khi kinh tế suy thoái, nhu cầu tiêu thụ giảm sẽ kéo theo sự sụt giảm của thị giá cổ phiếu ngành thép. Mỗi chu kỳ biến đổi giá tăng hay giảm thường sẽ kéo dài trong khoảng 2 năm. Nhà đầu tư nên nắm chu kỳ này để có những chiến lược đầu tư phù hợp.
Chu kỳ của cổ phiếu ngành thép thường dao động khoảng 2 năm
Giai đoạn 2019-2020, ngành thép trải qua chu kỳ giảm giá do nhu cầu suy yếu bởi tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung và đại dịch COVID-19. Trong thời gian này, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn như Hòa Phát (HPG), Thép Nam Kim (NKG), và Thép Pomina (POM) giảm mạnh, phản ánh sự sụt giảm trong hoạt động sản xuất và tiêu thụ thép.
Tuy nhiên, từ năm 2021 đến giữa năm 2022, ngành thép bước vào một chu kỳ tăng giá mới. Các gói kích thích kinh tế trên toàn cầu, cùng với nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng tăng cao, đã đẩy nhu cầu tiêu thụ thép tăng mạnh. Giá thép thế giới đạt đỉnh, giúp các doanh nghiệp thép ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục. Thị giá cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành thép trong giai đoạn này cũng tăng trưởng mạnh mẽ, kéo dài khoảng hai năm trước khi giảm nhiệt vào nửa cuối năm 2022 do nhu cầu suy giảm.
Ví dụ này minh họa rõ nét đặc tính chu kỳ của cổ phiếu ngành thép. Các chu kỳ tăng hoặc giảm giá thường kéo dài khoảng 2 năm, phụ thuộc vào các yếu tố kinh tế vĩ mô và sự biến động của cung cầu trên thị trường.
Những đặc điểm này đòi hỏi nhà đầu tư cần nắm bắt tốt thị trường và xu hướng giá thép để đưa ra quyết định đầu tư hiệu quả.
Có nên đầu tư cổ phiếu ngành thép không?
Việc đầu tư cổ phiếu ngành thép phụ thuộc vào chiến lược của từng nhà đầu tư và giai đoạn của thị trường. Cổ phiếu thép thường có tiềm năng sinh lời cao trong các chu kỳ kinh tế phát triển, khi nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng và giá thép tăng mạnh. Theo dự báo, lợi nhuận của các doanh nghiệp thép như Hòa Phát (HPG), Thép Nam Kim (NKG), và Pomina (POM) sẽ tăng trưởng ổn định nhờ vào sự hồi phục của giá thép, đặc biệt là khi thị trường trong nước và quốc tế đẩy mạnh hoạt động xây dựng.
Những tháng cuối năm 2024, ngành thép đang chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ sau giai đoạn suy thoái. Theo dự báo của các chuyên gia, giai đoạn khó khăn của ngành thép sẽ sớm kết thúc và giá thép sẽ tăng trở lại. Nhờ vào chính sách tiền tệ nới lỏng trên toàn cầu nên nhu cầu xây dựng tại Mỹ, châu Âu và Trung Quốc sẽ khởi sắc.
Nhu cầu sản xuất toàn cầu tăng lên khiến giá nguyên liệu đầu vào như quặng sắt, than cốc tăng, dẫn tới giá thép tăng. Đặc biệt, các doanh nghiệp sản xuất thép như Tập đoàn Hoa Sen và Thép Nam Kim đã tăng cường tích trữ tồn kho, chiếm lần lượt 49,6% và 47,7% tổng tài sản.
Điều này cho thấy sự kỳ vọng vào khả năng phục hồi của giá thép trong thời gian tới. Do đó, việc đầu tư vào ngành thép có thể mang lại lợi nhuận hấp dẫn khi thị trường phục hồi. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần thận trọng, theo dõi sát sao diễn biến thị trường và lựa chọn doanh nghiệp có nền tảng tài chính vững chắc để giảm thiểu rủi ro.
Theo thông tin trên, việc đầu tư vào cổ phiếu ngành thép trong năm 2025 có thể mang lại lợi nhuận cao. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần cẩn trọng trong việc theo dõi thị trường và có chiến lược đầu tư phù hợp để tận dụng tối đa các chu kỳ tăng trưởng của ngành thép.
Cách chọn cổ phiếu phép tiềm năng
Để chọn cổ phiếu ngành thép tiềm năng, nhà đầu tư cần dựa vào một số yếu tố quan trọng để đánh giá triển vọng của các doanh nghiệp trong ngành. Những tiêu chí cần lưu ý có thể kế đến như:
Lợi thế cạnh tranh qua vị thế của từng doanh nghiệp
Các nhà đầu từ cần xem xét và ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp thép có vị thế mạnh trên thị trường. Những doanh nghiệp này thường có khả năng duy trì lợi nhuận ổn định và chiếm lĩnh thị trường. Ngoài ra, những công ty sở hữu công nghệ sản xuất hiện đại và mạng lưới phân phối rộng sẽ có cơ hội phát triển bền vững hơn. Đây cũng là lựa chọn tốt cho nhà đầu tư.
Mức cổ tức mà cổ đông của công ty nhận được
Phần lợi nhuận ròng mà doanh nghiệp sẽ chi trả cho cổ đông được gọi là cổ tức. Mức cổ tức cao không chỉ phản ánh khả năng sinh lời của công ty mà còn là yếu tố quan trọng trong việc thu hút nhà đầu tư dài hạn. Các doanh nghiệp thép ổn định sẽ chi trả cổ tức đều đặn và cao, tạo ra giá trị cho cổ đông.
Đội ngũ lãnh đạo có tầm
Lãnh đạo công ty là yếu tố quyết định đến chiến lược phát triển và quản lý rủi ro. Đội ngũ lãnh đạo giàu kinh nghiệm và có tầm nhìn chiến lược sẽ giúp công ty vượt qua các thách thức và tối đa hóa lợi nhuận.
Tốc độ tăng trưởng với doanh thu ổn định
Các doanh nghiệp thép có tốc độ tăng trưởng doanh thu ổn định và bền vững sẽ tạo ra lợi nhuận cao và gia tăng giá trị cổ phiếu theo thời gian. Việc theo dõi báo cáo tài chính hàng quý và hàng năm sẽ giúp nhà đầu tư đánh giá được khả năng tăng trưởng của công ty.
Chỉ số P/E an toàn: Chỉ số P/E (Price to Earnings Ratio) là yếu tố quan trọng trong việc đánh giá mức độ hợp lý của giá cổ phiếu. Một chỉ số P/E thấp nhưng ổn định cho thấy cổ phiếu đang được định giá hợp lý và có tiềm năng sinh lời dài hạn.
Đối với những nhà đầu tư mới bắt đầu, có thể sẽ cần tư vấn tài chính cá nhân và kết hợp với tất cả các yếu tố trên để chọn được cổ phiếu thép tiềm năng. Từ đó, có thể tối ưu hóa lợi nhuận trong chiến lược đầu tư dài hạn.
Danh sách mã cổ phiếu ngành thép trên sàn chứng khoán
Dưới đây là danh sách mã cổ phiếu theo ngành thép trên ba sàn chứng khoán HOSE, HNX và UPCOM mà nhà đầu tư có thể tham khảo:
Nhóm cổ phiếu ngành thép niêm yết trên sàn HOSE mới nhất
Mã cổ phiếu | Tên công ty |
HPG | Hòa Phát Group |
TLH | Thép Tâm Lộc |
VIS | Thép Việt Ý |
SMC | Thép Miền Nam |
DAG | Thép Đông Á |
NKG | Thép Nam Kim |
HSG | Thép Hoa Sen |
POM | Thép Pomina |
TNA | Công ty cổ phần Thép Thái Nguyên |
VIF | Thép Inox Việt Nam |
Nhóm cổ phiếu ngành thép niêm yết trên sàn HNX mới nhất
Mã cổ phiếu | Tên công ty |
KKC | Công ty cổ phần Kim Khí KKC |
KMT | Công ty cổ phần Kim khí Miền Trung |
SSM | Công ty cổ phần Chế tạo kết cấu Thép Vneco.SSMc |
VGS | Công ty cổ phần Ống thép Việt Đức VG PIPE |
Nhóm cổ phiếu ngành thép niêm yết trên sàn UpCom mới nhất
Mã cổ phiếu | Tên công ty |
GDA | Công ty cổ phần Tôn Đông Á |
BVG | Công ty cổ phần thép Group Bắc Việt |
DNS | Công ty cổ phần Thép Thép Đà Nẵng |
DNY | Công ty cổ phần Thép DANA – Ý |
HLA | Công ty cổ phần Hữu Liên Á Châu |
TDS | Công ty cổ phần Thép Thủ Đức – VNSTEEL |
TIS | Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên |
TNB | Công ty cổ phần Thép Nhà Bè – VNSTEEL |
TNS | Công ty cổ phần Thép tấm lá Thống Nhất |
TTS | Công ty cổ phần Cán Thép Thái Trung |
TVN | Tổng Công ty Thép Việt Nam – Công ty cổ phần |
VDT | Công ty cổ phần Lưới thép Bình Tây |
VES | Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Điện Mêca Vneco |
Danh sách trên bao gồm các công ty thép lớn và các công ty con với hoạt động sản xuất và cung ứng thép mạnh mẽ. Nhà đầu tư có thể tham khảo các mã cổ phiếu này để xây dựng chiến lược đầu tư cho mình.
Các mã cổ phiếu ngành thép tiềm năng nhất hiện nay
Ngành thép tại Việt Nam hiện đang trên đà phát triển mạnh mẽ, với một số mã cổ phiếu nổi bật tiềm năng sinh lời cao. Dưới đây là Top 5 mã cổ phiếu ngành thép tiềm năng nhất hiện nay:
1. Cổ phiếu HPG của CTCP Tập đoàn Hoà Phát
Tập đoàn Hòa Phát là một doanh nghiệp lớn, đứng đầu trong ngành thép tại Việt Nam. Hòa Phát sở hữu mạng lưới sản xuất và phân phối rộng khắp, với sản phẩm thép chủ yếu dùng trong xây dựng và công nghiệp. Cổ phiếu HPG được đánh giá cao nhờ năng lực tài chính mạnh mẽ, thanh khoản nhanh và chiến lược mở rộng sản xuất bền vững.
Kết quả kinh doanh: Trong 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu của Hòa Phát đạt hơn 105.000 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 9.200 tỷ đồng, tăng 140%. Đóng góp chính vào kết quả này là mảng thép và các sản phẩm liên quan, chiếm tỷ trọng 85%.
Dự báo: Công ty chứng khoán MB (MBS) dự báo lợi nhuận ròng cả năm của Hòa Phát có thể đạt khoảng 11.800 tỷ đồng, tăng 74% so với năm trước và tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 2025 – 2026 nhờ các yếu tố thuận lợi như thuế chống bán phá giá và đóng góp từ dự án Dung Quất 2.
Với nền tảng tài chính vững chắc, chiến lược hiệu quả và triển vọng tăng trưởng tích cực, cổ phiếu HPG xứng đáng là lựa chọn tiềm năng cho các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội trong ngành thép.
2. Cổ phiếu HSG của CTCP Tập đoàn Hoa Sen
Với thương hiệu mạnh sau 22 năm hoạt động trong ngành thép, Hoa Sen chuyên sản xuất thép tấm, thép ống và các sản phẩm liên quan. Sự phát triển không ngừng và chiến lược xuất khẩu thành công giúp cổ phiếu HSG trở thành lựa chọn đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư dài hạn.
Kết quả kinh doanh: Trong 9 tháng đầu năm tài chính 2024, HSG ghi nhận doanh thu thuần đạt 29.163 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 696 tỷ đồng. Mức doanh thu cải thiện đáng kể so với mức lỗ 410 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Động lực tăng trưởng chính đến từ việc doanh số tiêu thụ tăng tới 40% giúp bù đắp sự suy giảm của giá bán trung bình sản phẩm. Đáng chú ý, HSG đang giữ vững vị thế dẫn đầu trên thị trường tôn mạ nội địa, chiếm 34% thị phần ở khu vực miền Bắc và miền Trung và 21% ở miền Nam.
Dự báo: Theo dự báo của SSI Research, trong niên độ tài chính 2024 – 2025, Tập đoàn Hoa Sen (HSG) dự kiến đạt lợi nhuận ròng khoảng 699 tỷ đồng, tăng 37% so với niên độ trước. Sản lượng tiêu thụ thép dự kiến tăng 2%, đạt 2 triệu tấn, nhờ sự phục hồi của thị trường bất động sản và đầu tư công. Với chiến lược thúc đẩy xuất khẩu tôn mạ và mở rộng chuỗi Hoa Sen Home, HSG đang tạo ra động lực tăng trưởng mới, hứa hẹn mang lại lợi nhuận hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
3. Cổ phiếu NKG của CTCP Thép Nam Kim
Là một trong những công ty sản xuất thép lớn tại Việt Nam, Thép Nam Kim nổi bật với sản phẩm thép chất lượng cao, được ưa chuộng trong cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Cổ phiếu NKG có tiềm năng tăng trưởng bền vững nhờ sản phẩm đa dạng và hệ thống phân phối mạnh.
Kết quả kinh doanh: Trong 9 tháng đầu năm 2024, NKG ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt hơn 434 tỷ đồng, tăng gần gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Để tiếp tục mở rộng và nâng cao năng lực sản xuất, công ty đã triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 70% từ 2.633 tỷ đồng lên gần 4.480 tỷ đồng, thông qua việc phát hành cổ phiếu thưởng và chào bán cổ phiếu ra công chúng.
Số vốn huy động dự kiến được sử dụng để đầu tư vào dự án Nhà máy thép tấm lợp Nam Kim Phú Mỹ, với tổng công suất 1,2 triệu tấn/năm, dự kiến đi vào sản xuất thương mại từ quý 1/2026.
Dự báo: Với chiến lược mở rộng sản xuất và kết quả kinh doanh khả quan, NKG được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2025, trở thành lựa chọn hấp dẫn cho các nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu ngành thép.
4. Cổ phiếu GDA của CTCP Tôn Đông Á
Công ty Cổ phần Tôn Đông Á (GDA) đang khẳng định vị thế là một cổ phiếu ngành thép tiềm năng hiện nay, nhờ vào lợi thế chiến lược và kết quả kinh doanh ấn tượng.
Kết quả kinh doanh: Tôn Đông Á ghi nhận doanh thu thuần đạt 15.248 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 320 tỷ đồng, tăng lần lượt 20% và 21,5% so với cùng kỳ năm 2023, vượt 107% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Về lợi thế chiến lược, Tôn Đông Á hiện thuộc Top 3 doanh nghiệp tôn mạ lớn nhất cả nước. Công ty đang triển khai dự án Nhà máy thép dẹt với công suất 1,2 triệu tấn/năm, dự kiến hoàn thành vào năm 2025, mở ra triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.
Dự báo: Với việc mở rộng công suất và nhu cầu thị trường gia tăng, Tôn Đông Á kỳ vọng tiếp tục đạt được kết quả kinh doanh khả quan, củng cố vị thế trên thị trường và mang lại lợi ích hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
5. Cổ phiếu VGS của CTCP Ống thép Việt – Đức
Công ty Cổ phần Ống thép Việt – Đức (VGS) là một trong những doanh nghiệp sản xuất ống thép hàng đầu tại Việt Nam. VGS sở hữu hệ thống nhà máy hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, giúp công ty duy trì thị phần vững chắc trên thị trường thép xây dựng và công nghiệp.
Kết quả kinh doanh: Trong 9 tháng đầu năm, Thép Việt Đức ghi nhận doanh thu đạt 5.682 tỷ đồng và lãi ròng đạt 35,7 tỷ đồng, lần lượt tăng 5% và 10% so với cùng kỳ năm 2023. Qua đó, hoàn thành 80% kế hoạch doanh thu và 64% kế hoạch lãi cả năm 2024. Đặc biệt, VGS ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ khi giá cổ phiếu tăng hơn 60%, phản ánh kỳ vọng tích cực từ nhà đầu tư.
Dự báo: Triển vọng kinh doanh thời gian tới của Thép Việt Đức được kỳ vọng sẽ duy trì đà phục hồi tích cực nhờ giá bán lẫn nhu cầu tăng trở lại. Theo đánh giá mới đây của Chứng khoán Vietcombank, giá thép có khả năng rất cao đã tạo đáy và bắt đầu đi vào chu kỳ tăng giá trở lại trong vài năm tới nhờ vào các chính sách kích thích thị trường bất động sản mạnh mẽ được Chính phủ Trung Quốc phát động.
Nhìn chung, ngành thép tại Việt Nam đang ngày càng phát triển mạnh mẽ nhờ vào nhu cầu xây dựng và cơ sở hạ tầng ngày càng tăng. Dù có sự biến động theo chu kỳ, các cổ phiếu ngành thép vẫn duy trì khả năng tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần theo dõi sát sao xu hướng thị trường và các yếu tố tác động từ thế giới để đưa ra quyết định đầu tư hợp lý. Cổ phiếu ngành thép vẫn là một sự lựa chọn đáng cân nhắc đối với những ai tìm kiếm cơ hội lâu dài trong một ngành có tiềm năng tăng trưởng vững mạnh.