Bạn có ý định xây dựng kế hoạch chi tiêu và đang tìm kiếm cách lập bảng chi tiêu cá nhân bằng Excel một cách chi tiết và hiệu quả? Trong bài viết này, Tạp Chí Tài Chính sẽ hướng dẫn bạn từng bước để tạo ra một bảng chi tiêu hoàn chỉnh, giúp bạn quản lý tài chính cá nhân một cách dễ dàng và khoa học. Chắc chắn sau khi áp dụng những phương pháp này, bạn sẽ có một công cụ hữu ích để theo dõi và điều chỉnh ngân sách mỗi tháng.
Tầm quan trọng của việc lập bảng chi tiêu cá nhân
Bảng chi tiêu cá nhân bằng Excel là gì?
Lập bảng chi tiêu cá nhân bằng Excel là một phương pháp phổ biến và hiệu quả vời giúp bạn quản lý tài chính một cách có hệ thống. Bảng chi tiêu này cho phép bạn theo dõi chi tiết các khoản thu nhập, chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư. Từ đó giúp bạn kiểm soát dòng tiền và xây dựng kế hoạch chi tiêu hợp lý, phù hợp với mục tiêu tài chính cá nhân.
Lợi ích khi làm bảng chi tiêu cá nhân trong Excel
Bảng chi tiêu cá nhân bằng Excel mang lại nhiều lợi ích đáng kể, đặc biệt là tính linh hoạt và dễ sử dụng. Bạn có thể tùy chỉnh bảng tính theo nhu cầu cá nhân hoặc gia đình, giúp việc quản lý tài chính trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Chỉ với các thao tác cơ bản, bạn đã có thể tạo nên một công cụ ghi chép chi tiêu hiệu quả, tiết kiệm thời gian mà vẫn đảm bảo độ chính xác cao.
Ngoài ra, việc lập bảng chi tiêu cá nhân bằng Excel còn giúp bạn theo dõi dòng tiền một cách chi tiết và minh bạch, từ đó dễ dàng phân tích và điều chỉnh thói quen chi tiêu. Công cụ này không chỉ tiết kiệm chi phí so với các phần mềm chuyên dụng mà còn phù hợp với mọi đối tượng, từ người bắt đầu đến những ai đã quen với quản lý tài chính cá nhân.
Các thông tin cần có trong bảng chi tiêu cá nhân
Phân bổ ngân sách
Để định hình được một bảng chi tiêu cá nhân, trước tiên bạn cần phân bổ ngân sách của mình thành các đối tượng cụ thể. Bạn có thể áp dụng quy tắc 50/20/30 để phân chia ngân sách của mình. Ví dụ: Tổng thu nhập hàng tháng của bạn là 12 triệu đồng.
- 50% cho nhu cầu thiết yếu (6 triệu đồng): Bạn sẽ dành khoản tiền này để chi tiêu vào việc thuê nhà, ăn uống hàng ngày, thanh toán hoá đơn điện, nước… Nếu bạn đã quyết định thực hiện theo quy tắc này thì nên cam kết không để cho chi tiêu vượt quá 50% như kế hoạch đề ra.
- 20% cho tiết kiệm và đầu tư (2,4 triệu đồng): Tiết kiệm là phần quan trọng, nó sẽ giúp bạn có một khoản quỹ dự phòng cho các trường hợp khẩn cấp hoặc đạt được các mục tiêu to lớn trong tương lai như mua nhà, mua xe… Ngoài ra, bạn có thể đầu tư để sinh lời bằng việc tham gia mua chứng khoán, mua vàng…
- 30% cho nhu cầu cá nhân (3,6 triệu đồng): Cuối cùng bạn sẽ phân bổ số tiền còn lại vào mục này, đây là mục để dành cho các hoạt động giải trí như đi du lịch, mua sắm, đam mê…
Lưu ý: Khi đã phân bổ ngân sách vào từng khoản, hãy cam kết bạn không chi tiêu vượt quá ở mỗi khoản để tránh làm ảnh hưởng kế hoạch tài chính của mình.
Thu nhập và các khoản chi
Phần này là nền tảng của bảng chi tiêu cá nhân. Bạn cần liệt kê chi tiết tất cả các nguồn thu nhập như lương chính, thưởng, thu nhập từ công việc khác… Ngoài ra bạn cần xác định được những khoản mà bạn chi tiêu hàng tháng, điều này sẽ giúp bạn lập bảng chi tiêu cá nhân bằng Excel nhanh chóng và dễ dàng hơn. Sự rõ ràng và chính xác ở phần này giúp bạn có cái nhìn tổng thể về dòng tiền, từ đó dễ dàng nhận biết các khoản chi không cần thiết để tối ưu hóa ngân sách.
Thời gian cụ thể
Ghi rõ thời gian của từng khoản thu nhập và chi phí là yếu tố quan trọng giúp bạn quản lý tài chính hiệu quả hơn. Điều này không chỉ giúp bạn theo dõi sát sao dòng tiền mà còn hỗ trợ việc dự báo tài chính trong tương lai.
- Thu nhập: Ghi rõ thời điểm nhận thu nhập, ví dụ: ngày lương hàng tháng hoặc kỳ hạn nhận lợi nhuận từ đầu tư.
- Chi tiêu: Xác định thời gian phải thanh toán các khoản chi cố định (như ngày đóng tiền nhà) và theo dõi thường xuyên các chi phí hàng ngày để đảm bảo không chi tiêu vượt ngân sách.
- Mục tiêu tài chính: Khi lập bảng chi tiêu, nếu bạn có kế hoạch đạt được các mục tiêu tài chính đã đề ra, hãy ghi rõ thời gian cụ thể mà bạn dự định hoàn thành mục tiêu đó. Việc này không chỉ giúp bạn dễ dàng theo dõi tiến độ mà còn tạo động lực để duy trì kỷ luật chi tiêu, từ đó đảm bảo rằng bạn sẽ đạt được các mục tiêu tài chính trong thời gian đã cam kết.
Bằng cách gắn thời gian cụ thể cho từng khoản, bạn sẽ luôn kiểm soát được tài chính cá nhân một cách chặt chẽ, tránh tình trạng chi tiêu mất cân đối hoặc thiếu hụt tiền vào cuối kỳ.
Cách lập bảng chi tiêu cá nhân bằng excel
Lập bảng chi tiêu cá nhân bằng Excel có khó không? Thực tế, việc này đơn giản hơn bạn nghĩ. Chỉ cần vài thao tác cơ bản, bạn đã có thể tạo nên một công cụ quản lý tài chính hiệu quả, tiết kiệm thời gian mà vẫn đảm bảo chính xác.
Dưới đây là từng bước hướng dẫn cách làm bảng chi tiêu cá nhân trong excel hiệu quả:
Bước 1: Tạo bảng thông tin trong bảng tính Excel
Đầu tiền bạn tạo 3 bảng tương ứng với 3 nội dung sau:
- Tổng quan: Đây là phần để bạn xem được tổng quát tất cả chi tiêu của mình. Phần này gồm các nội dung như: tổng thu, tổng chi, còn lại và ngày, tháng (chọn ngày hoặc tháng tùy vào nhu cầu quản lý của bạn).
- Tổng thu: Tại phần này bạn liệt kê tất cả khoản thu của mình như: tiền lương, tiền làm thêm, tiền thanh lý đồ đạc…
- Tổng chi: Tại phần này bạn liệt kê tất cả khoản chi của mình như: ăn uống, giải trí, điện nước, xăng xe…
Bước 2: Nhập thông tin chi tiết và sử dụng hàm
Sau khi đã điền đủ những thông tin ở trên, bước tiếp theo bạn bắt đầu nhập số tiền tương ứng vào mỗi ô. Tại mỗi phần tổng (tổng thu, tổng chi), bạn sử dụng hàm SUM để cộng lại tất cả các thu nhập và chi tiêu của mình. Hãy nhớ nhập đầy đủ mỗi ngày để có số liệu chính xác.
- Ví dụ: Bạn muốn tính tổng thu nhập của mình gồm: tiền lương (cột A1) và tiền làm thêm (cột A2) thì tại cột A3 bạn áp dụng công thức sau =SUM(A1:A2) và nhấn enter, kết quả sẽ được tính cho bạn.
- Ví dụ: Bạn muốn tính tổng dư (còn lại) của mình, thì chỉ cần lấy tổng thu nhập (cột A3) trừ cho tổng chi tiêu (cột A4). Bạn nhập công thức như sau =A3-A4 và nhấn enter, kết quả sẽ được tính cho bạn.
Bước 3: Chỉnh sửa định dạng và màu sắc
Phần này giúp bảng chi tiêu của bạn trông bắt mắt mà còn dễ dàng phân biệt các mục dữ liệu. Đầu tiên, hãy chỉnh cỡ chữ, kiểu chữ và căn chỉnh để các tiêu đề và nội dung bảng rõ ràng hơn. Tiếp theo, bạn có thể sử dụng tính năng tô màu ô (Fill Color) để phân loại các nhóm thông tin như thu nhập, chi tiêu để dễ dàng theo dõi.
Với 3 bước đơn giản trên, bạn đã có thể dễ dàng lập bảng chi tiêu cá nhân bằng excel cho riêng mình. Việc còn lại của bạn là theo dõi chi tiêu của mình để không vượt quá ngân sách. Nếu kết quả là số dương, đồng nghĩa bạn đang có khoản tiết kiệm; ngược lại, nếu là số âm, bạn cần cân nhắc điều chỉnh chi tiêu sao cho phù hợp.
Mẫu bảng kế hoạch chi tiêu cá nhân
Dưới đây là một số mẫu bảng kế hoạch chi tiêu cá nhân mà bạn có thể tham khảo và áp dụng. Những mẫu bảng này không chỉ phù hợp với người lớn mà còn giúp lập kế hoạch chi tiêu cá nhân cho học sinh, sinh viên và bất kỳ ai muốn quản lý tài chính cá nhân hiệu quả.
Mẫu bảng kế hoạch chi tiêu cá nhân hàng ngày
Việc quản lý chi tiêu hàng ngày giúp bạn dễ dàng kiểm soát các khoản nhỏ lẻ nhưng có thể cộng dồn thành một số tiền lớn. Một bảng kế hoạch chi tiêu cá nhân hàng ngày sẽ ghi nhận chi tiết từng khoản như tiền ăn uống, xăng xe, cà phê hay các nhu cầu phát sinh khác.
Mẫu bảng kế hoạch chi tiêu cá nhân hàng tháng
Lập bảng chi tiêu cá nhân trong 1 tháng là một bước quan trọng để bạn có cái nhìn tổng quan về tình hình tài chính của mình. Với mẫu bảng này, bạn có thể phân loại thu nhập, các khoản chi tiêu như tiền nhà, ăn uống, đi lại, mua sắm và những khoản phát sinh khác
Mẫu bảng kế hoạch chi tiêu du lịch
Một chuyến du lịch trọn vẹn không thể thiếu một kế hoạch chi tiêu hợp lý. Với bảng chi tiêu du lịch, bạn có thể tính toán các khoản cần chi như vé máy bay, khách sạn, ăn uống và các hoạt động giải trí. Việc chuẩn bị trước giúp bạn không lo lắng về việc chi tiêu vượt ngân sách và tận hưởng chuyến đi một cách thoải mái.
Những phần mềm khác hỗ trợ lập bảng chi tiêu cá nhân
Hiện nay, ngoài Exel, những app quản lý chi tiêu đã được phát triển để giúp việc quản lý tài chính trở nên thuận tiện hơn. Tại Việt Nam, một số phần mềm như Money Lover, Spendee, Money Manager, Misa… đang ngày càng được nhiều người sử dụng. Các phần mềm này thiết kế với giao diện thân thiện, dễ sử dụng, đồng thời cung cấp nhiều tính năng tiện ích như phân tích chi tiêu, theo dõi ngân sách và nhắc nhở các khoản thanh toán quan trọng.
Những phần mềm này không chỉ hỗ trợ ghi nhận thu chi mà còn đóng vai trò như một người tư vấn tài chính cá nhân cho bạn trong việc: lập kế hoạch chi tiêu theo giai đoạn, mục đích; nhắc nhở thói quen thu chi; báo cáo tiến độ thực hiện mục tiêu đã đề ra… Nếu bạn vẫn gặp khó khăn và cần cụ thể hóa việc quản lý tài chính, bạn có thể tìm đến các chuyên gia để được hỗ trợ.
Lập bảng chi tiêu cá nhân bằng Excel là một cách đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao trong việc quản lý tài chính. Với các bước hướng dẫn chi tiết, hi vọng bạn có thể tạo cho mình một công cụ quản lý chi tiêu phù hợp để quản lý tốt hơn dòng tiền của mình. Đừng quên theo dõi bản tin tài chính của chúng tôi để cập nhật những thông tin mới nhất!